Việt Nam English

Xét giáo viên dạy giỏi, những chuyện ngay dưới mái trường

Ngày đăng: 05:12 - 28/03/2019 Lượt xem: 314
Thời gian qua, câu chuyện “diễn” trong Hội thi giáo viên dạy giỏi được bóc trần trước công luận. Nhiều người lên án, bất bình và lên tiếng tẩy chay một phong trào chỉ mang nặng tính hình thức.
Rất vui vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu những ý kiến, những đóng góp của nhiều nhà giáo và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.
 

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi...

Sửa đổi cơ bản sẽ là chuyển từ thi sang xét, dựa vào các tiêu chí cốt lõi của chuẩn đã ban hành.
Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm giỏi gắn với các tiêu chí cốt lõi về giáo dục, giáo viên dạy giỏi gắn với tiêu chí về giảng dạy trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
"Việc xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ được xem xét qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng" - ông Hoàng Đức Minh khẳng định.{1}
Chúng tôi vẫn hy vọng khi chọn phương án “bỏ thi” sang “xét”, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những hướng dẫn cụ thể để việc bình xét đúng đối tượng, thể hiện được sự công bằng và trên hết là chọn ra được người thật sự xứng đáng để trao danh hiệu cao quý đó.
Tuyệt đối, không giống như việc bình xét giáo viên dạy giỏi mang tính hình thức mà trước đây nhiều địa phương cũng đã từng làm.
Câu chuyện từ thực tế
Dăm năm trở về trước, tỉnh tôi đã áp dụng việc xét công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đối với những giáo viên đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thị.
Với hình thức này, giáo viên không bị áp lực nhiều vì chuyện thi thố, nhà trường cũng không phải bận rộn vì lo tổ chức thi, lo cho giáo viên đi thi và chính học sinh cũng không bị thầy cô bỏ bê vì mải lo chuyện bài vở.
Thế nhưng, xung quanh câu chuyện bình xét lại xảy ra khá nhiều chuyện buồn dẫn đến nhiều bất công cho chính những giáo viên trong diện được bình chọn.
Chưa bỏ phiếu đã biết rớt
Cô T. giáo viên một trường tiểu học X được nằm trong diện sẽ được hội đồng nhà trường bỏ phiếu, bình xét là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (nếu cô đạt được 80% số phiếu tín nhiệm từ hội đồng nhà trường).
Trường X lúc ấy có 15 giáo viên sẽ tham gia bỏ phiếu vào sáng thứ 7.
Chiều hôm đó, trong cuộc nói chuyện với tôi, cô bạn T. đã nói như đinh đóng cột “Bỏ phiếu thì mình chắc chắn bị đánh rớt rồi bạn ơi! Thà cứ tổ chức thi cho công bằng”.
Tôi nói chưa bỏ phiếu mà đã bi quan vậy? Họ cũng phải biết nhìn nhận những cố gắng, nỗ lực của mình chứ.
Thế nhưng bạn tôi vẫn không có chút gì lạc quan, bạn nói “Trong 15 giáo viên của trường tham gia bỏ phiếu, theo quy định phải đạt 80%, vì thế mình phải nhận được sự ủng hộ của 12 giáo viên mới đạt được.
Thế nhưng có tới 5 thầy cô chắc chắn không ủng hộ mình vì những xích mích, những bất đồng cá nhân trong công việc”.
Rồi bạn kể, do mình là tổ trưởng chuyên môn nên cũng thường hay góp ý, nhận xét một số giáo viên chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn.
Thế là người ta khó chịu, người ta không bằng lòng và cho rằng mình làm khó. Bởi thế, khi họ cầm lá phiếu trên tay họ sẽ cân nhắc và gạch tên mình là điều chắc chắn.
Nghe thế, tôi vẫn cứ động viên bạn bởi chuyện nào ra chuyện ấy, mâu thuẫn hay không vừa lòng ai nhưng cái gì người khác làm tốt phải biết ghi nhận.
Chẳng ngoài dự đoán của bạn, sau cuộc bỏ phiếu, bạn tôi chỉ được 10 phiếu đồng ý đạt 66% và theo quy định bạn bị đánh trượt
Vận động giỏi thì đậu, kém ngoại giao dạy giỏi cũng rớt
Để chắc chắn cho mình một kết quả đẹp, một số giáo viên đã đi vận động từng đồng nghiệp sẽ dành cho một 1 phiếu.
Một cô bạn trường láng giềng kể rằng, xin một lá phiếu đồng ý từ cá nhân hay hội nhóm nào đấy, một số thầy cô phải đổi bằng những chầu cà phê, karaoke hay một bữa tiệc ăn nhậu.
Cô bạn cũng có tên trong danh sách được bình chọn lần ấy đã được một đồng nghiệp hỏi thẳng:
“Người ta đang đi vận động ầm ầm, sao mày cứ bình chân như vại thế?” Cô bạn đã trả lời mình không thích kiểu làm như thế, đạt phải cho quang vinh”.
Và hú hồn, bỏ phiếu lần ấy cô bạn tôi xém rớt khi vừa đạt 80 % số tín nhiệm theo quy định (mức tín nhiệm thấp nhất) mặc dù theo đánh giá của một số giáo viên trong trường, năng lực, phẩm chất của bạn hơn nhiều người có tỉ lệ % cao ngất ngưởng kia.
Đó chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về việc bình xét giáo viên dạy giỏi mà chúng tôi từng chứng kiến.
Thế nên trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp ban hành dự thảo quy định giáo viên dạy giỏi, trong đó thay vì thi để công nhận giáo viên dạy giỏi sẽ chuyển sang xét để công nhận giáo viên dạy giỏi thông qua các tiêu chí cốt lõi của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, gắn với thực tế giáo dục và hoạt động giảng dạy...
Chúng tôi cảm thấy rất lo vì nếu không có sự hướng dẫn cụ thể, không có những quy định rõ ràng lại xảy ra "mưa" giáo viên dạy giỏi. Hoặc người đáng được giỏi không được công nhận và ngược lại.
 

Các bài viết khác

Copyright 2019 Trường tiểu học quốc tế Stephen Hawking. All Rights Reserved
Đang online: 4 Tổng truy cập: 237.742