Nhìn lại năm 2017, có thể thấy, với những nỗ lực không mệt mỏi, ngành Giáo dục - Đào tạo Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều "trái ngọt", góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, toàn ngành cũng còn một số tồn tại, hạn chế, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Những kết quả đáng mừng
Sát cánh cùng ngành Giáo dục trong năm vừa qua, chúng tôi nhận thấy, ngành đã có nhiều chỉ đạo, cách làm quyết liệt trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển giáo dục. Cụ thể, ngành đã triển khai nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả chủ đề công tác năm 2017 về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”. Hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực trong mỗi cơ quan, đơn vị, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành. 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện, ký cam kết với cán bộ, viên chức, người lao động. Nhờ đó, nền nếp dạy và học được cải thiện tích cực.
Bên cạnh đó, năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục tương đối ổn định, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trên địa bàn tỉnh hiện có 659 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học, trong đó có 216 trường mầm non, 181 trường tiểu học, 186 trường THCS, 59 trường THPT, 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh, 2 trường đại học, 1 phân hiệu đại học. Ngoài ra, tỉnh còn có 186 trung tâm học tập cộng đồng ở đơn vị cấp xã, 52 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Hệ thống giáo dục ngoài công lập hiện có 47 trường (23 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 23 trường THPT).
Cùng với đó, năm qua, chất lượng giáo dục đại trà, kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ cũng được duy trì và nâng cao chất lượng. Giáo dục mũi nhọn được cải thiện, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia tăng đáng kể về số lượng, chất lượng. Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 năm 2017, Quảng Ninh đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, với 59 giải, trong đó có 4 học sinh được lựa chọn để tham gia kỳ thi chọn học sinh THPT vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2017, Quảng Ninh có 4 giải nhì (năm 2016 chỉ có 1 giải nhì, 4 giải ba). Hay như Cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn cấp quốc gia, tỉnh có 35 dự án đoạt giải, trong đó có 3 giải nhất. Cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp cấp quốc gia, tỉnh cũng có 44 dự án đoạt giải, trong đó có 4 giải nhất.
Không chỉ vậy, năm vừa qua, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành được củng cố, tăng cường về chất lượng. Hoạt động bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn từng bước được đổi mới; các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được sắp xếp lại theo Đề án 25 đã được bồi dưỡng và cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc mới. Cùng với đó, năm qua, tỉnh cũng tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, tập trung đầu tư kiên cố hóa trường lớp và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia kết hợp xây dựng nông thôn mới. Trong năm, tỉnh đã đầu tư 162 hệ thống xử lý, cung cấp nước uống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho 162 trường, với kinh phí trên 40 tỷ đồng; đầu tư 100 phòng ngoại ngữ với các thiết bị hiện đại đi kèm cho 100 trường tiểu học, THCS. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối từ Sở GD&ĐT đến 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đôi điều suy ngẫm
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải thừa nhận rằng, năm vừa qua, ngành Giáo dục Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử, số học sinh, trẻ/lớp, số lớp/trường vượt quy định ở các trường tiểu học, mầm non khu vực trung tâm các thành phố vẫn chưa được giải quyết triệt để. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số địa phương còn chưa đạt yêu cầu; công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn. Theo đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT thì nguyên nhân chính do số trẻ trong độ tuổi đi học tăng nhanh, đặc biệt ở cấp học mầm non, tiểu học; việc mở thêm trường, lớp, xây dựng bổ sung cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn; công tác quy hoạch giáo dục, phân vùng tuyển sinh chưa sát với tình hình thực tế; chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục chưa phát huy hiệu quả, nhất là ở bậc tiểu học, mầm non.
Không chỉ vậy, năm vừa qua, công tác đảm bảo an toàn cho học sinh vẫn còn hạn chế, để xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Trong năm có 2 học sinh của TP Hạ Long tử vong tại trường học, là hồi chuông báo động để các trường học, phụ huynh chú ý hơn đến sự an toàn của học sinh. Nguyên nhân chính là do các em còn thiếu các kỹ năng mềm về phòng tránh tai nạn thương tích, kỹ năng sống, kỹ năng đối diện với những áp lực trong cuộc sống, do sự phối hợp giữa cơ quan quản lý giáo dục với gia đình chưa thường xuyên, chặt chẽ.
Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tỉnh, tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết tại trung tâm hành chính công, các chỉ số về cải cách hành chính, chỉ số nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công còn thấp. Công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn chưa được thực hiện theo đúng lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đặc biệt, ngành vẫn chưa giải quyết dứt điểm một số vướng mắc thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, như: Chế độ phụ cấp thu hút cho nhà giáo và cán bộ quản lý công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; chế độ phụ cấp đối với giáo viên dạy tại lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập. Nguyên nhân chính do cơ chế, chính sách được quy định trong các văn bản quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chồng chéo, khó thực hiện.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn, tồn tại, tuy nhiên, quan điểm của ngành Giáo dục là không né tránh, khó ở đâu, gỡ ở đó. Vì thế, hoàn toàn có thể tin tưởng, năm 2018, ngành sẽ từng bước khắc phục những khó khăn để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.